Câu chuyện thấm đẫm nước mắt về cuộc đời của con gái ông chủ gara ô tô giàu có đất Hà thành xưa
Nối tiếp trong chuyên đề “Chuyện kể ở Viện dưỡng lão” của cô bạn trẻ Minh Anh là câu chuyện về cuộc đời đầy thăng trầm và đẫm nước mắt của con gái ông chủ gara ô tô giàu có đất Hà thành. Và hiện giờ “người con gái” đó đang an hưởng tuổi già tại Viện dưỡng lão Tuyết Thái.
” – Bà có cuộc đời thăng trầm và đẫm nước mắt nhưng năm tháng tuổi già, cuộc đời bà như bước sang một trang mới – đầy ấm áp và hạnh phúc…
Tại viện dưỡng lão Tuyết Thái (huyện Đông Anh, Hà Nội), chúng tôi có dịp được nghe nhiều câu chuyện đời đầy cung bậc cảm xúc.
Cuộc đời đẫm nước mắt của cụ Nguyễn Thị Dưỡng (SN 1932, Hà Nam) cũng là một trường hợp tương tự.
Cụ Nguyễn Thị Dưỡng. Ảnh: Hồ Mặc Mặc |
Cụ Dưỡng sinh ra trong gia đình khá giả ở Bình Lục, Hà Nam. Năm cụ lên 8 tuổi, bố mẹ đột ngột qua đời. Một người bạn làm ăn của cha cụ Dưỡng nghe tin, đã đón cụ Dưỡng về Hà Nội. Vợ chồng người này nuôi nấng, chăm sóc cụ Dưỡng như con đẻ của mình.
Cha nuôi cụ Dưỡng vốn là một chủ gara ôtô lớn, làm ăn phát đạt ở miền Bắc thời kỳ đó. Vì vậy tuy mồ côi cha mẹ nhưng cụ Dưỡng vẫn có cuộc sống đủ đầy.
Nhưng chuỗi bi kịch liên tiếp giáng xuống đầu cô bé mồ côi. Năm 12 tuổi, mẹ nuôi cụ đột ngột qua đời, cụ và 3 người anh chị tự chăm sóc cho nhau để cha khỏi đau buồn.
Đoạn tang vợ, cha nuôi cụ Dưỡng đi bước nữa cùng người phụ nữ khác. Người cha nuôi hi vọng mẹ kế có thể yêu thương và chăm sóc các con như người vợ đã mất.
Nhưng cuộc sống với mẹ kế cũng chẳng yên ả nhất là khi công việc làm ăn của cha nuôi cụ Dưỡng rơi vào bế tắc, phá sản.
Từ một chủ gara ô tô giàu có, cha nuôi cụ Dưỡng phải xoay qua bán cơm, kiếm từng hào để nuôi gia đình. Không chịu nổi cảnh mẹ ghẻ – con chồng, năm 16 tuổi, cụ Dưỡng xin đi thanh niên xung phong. Cũng trong năm này, cha nuôi cụ Dưỡng qua đời.
Trước khi mất, ông rơi nước mắt, lo lắng cho số phận của cô con gái nuôi đáng thương. Ông nói: “Con sắp hết tổ ấm rồi”.
Đau đớn nghẹn lời, cụ Dưỡng nói, cụ còn các chị và em gái. Cụ dù là con nuôi nhưng các chị em gái luôn yêu thương cụ. Nghe con gái nói vậy, người cha nuôi mới yên lòng nhắm mắt.
Năm 20 tuổi cụ Dưỡng bén duyên với người bạn cùng đi xây dựng kinh tế mới ở tỉnh Lạng Sơn. Tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ thêm hạnh phúc khi đứa con kháu khỉnh chào đời.
Nhưng sau đó, đứa con của họ nhiễm bệnh nặng rồi mất khi tròn 3 tháng tuổi. Chồng cụ tiếc thương con nên ốm nặng và mất sau đó không lâu..
Lần lượt những người cụ yêu thương đều rời bỏ cụ mà đi từ đó, cụ Dưỡng đau buồn, khép cánh cửa trái tim, lấy công việc làm vui không bao giờ nghĩ đến chuyện yêu và lấy chồng nữa.
Năm 1958, cụ Dưỡng xin đi học nghề cơ khí và xin về Việt Trì, Phú Thọ công tác với biên chế thuộc bộ Giao thông vận tải.
Sau này cụ chuyển về xí nghiệp cầu Thăng Long ở Hà Nội công tác. Tại đây cụ được cơ quan phân cho căn nhà 150 mét vuông thuộc xã Hải Bối, huyện Đông Anh sinh sống.
Trải qua quãng đời thăng trầm, nụ cười thì ít nước mắt thì nhiều, 56 tuổi cụ về hưu năm theo chế độ nhà nước.
Ngoài tiền lương hưu hơn 3 triệu một tháng, hằng ngày cụ bán thêm hàng tạp hóa kiếm kế sinh nhai. Tuổi cao, cụ liên tiếp bị hai trận tai biến, phải bán căn nhà đang ở lấy tiền chữa bệnh.
Xuất viện, cụ được các cháu đón về nuôi nhưng thương các cháu khó khăn. Cụ không muốn dựa dẫm nên nay đây mai đó, tá túc trong chùa.
Năm cụ 83 tuổi, nhờ thầy chùa nơi cụ hay qua làm công quả giúp đỡ, cụ được bà Bạch Tuyết, Giám đốc viện dưỡng lão, đón về nuôi dưỡng, chăm sóc.
Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết – giám đốc Viện dưỡng lão trong giờ ăn trưa của các cụ (bà Tuyết bên tay phải). Ảnh: Diệu Bình |
Bà Bạch Tuyết, Giám đốc Viện dưỡng cho biết: “Số tiền lương hưu hơn 3 triệu mỗi tháng cụ gửi cho Viện để phục vụ cho việc ăn uống, sinh hoạt cá nhân. Những chi phí phát sinh, ốm đau thuốc men và kể cả sau này cụ mất đi chúng tôi đều hỗ trợ miễn phí”.
Cụ Dưỡng cũng chia sẻ thêm: “Cuộc đời tôi nhiều sóng gió nhưng cũng được bù đắp phần nào. Bởi các con, các cháu tuy không phải ruột thịt nhưng chúng nó thương tôi lắm.
Các cháu hay lên thăm tôi nhưng tôi cấm, tôi chỉ cho phép 1 tháng thăm tôi 1 lần thôi, chúng nó cũng khó khăn”. Nói đến đây đôi mắt cụ Dưỡng bỗng đỏ hoe…
Do còn khỏe mạnh, minh mẫn nên cụ đã đề nghị trung tâm cho mình được tham gia chăm sóc các trường hợp cụ yếu hơn. Với cụ, được sống, góp chút sức giúp đỡ mọi người như vậy niềm hạnh phúc lớn lao trong cuộc đời mình.”
Theo Vietnamnet ngày 14/8
http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/cuoc-doi-bi-ai-cua-con-gai-ong-chu-gara-o-to-giau-co-dat-ha-thanh-389638.html
http://www.webtretho.com/forum/f3678/cuoc-doi-bi-ai-cua-con-gai-ong-chu-gara-o-to-giau-co-dat-ha-thanh-2537177/