Trung tâm Vì Ngày Mai – 20 năm một chặng đường nhìn lại
Tạp chí Tình thương và Cuộc sống vừa có bài “Trung tâm Vì Ngày Mai – 20 năm một chặng đường nhìn lại” của tác giả Anh Thư, viết về đơn vị mà bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Tổng giám đốc Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Tuyết Thái) vừa nhận nhiệm vụ Giám đốc (Trung tâm Vì Ngày Mai).
Xin trân trọng giới thiệu tới các bạn bài viết này.
Ông Đào Vũ Thiết, Phó Tổng Thư ký Hội Cứu trợ Trẻ em tàn tật Việt Nam thay mặt BCH Trung ương Hội trao Quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Tổng giám đốc Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Tuyết Thái) giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai.
Tình thương và Cuộc sống – Nhắc đến Trung tâm Vì Ngày Mai (Thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội), là nhắc đến một đơn vị điển hình đã có nhiều đóng góp cho công tác thiện nguyện và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, dạy nghề kết hợp tạo việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật (TTNKT): vận động, khiếm thị, khiếm thính, trí tuệ, và các dạng tật khác (có độ tuổi từ 15 đến 35); đến với Trung tâm Vì Ngày Mai là đến với “ngôi nhà” ấm áp nghĩa tình, ở đó không có sự phân biệt văn hóa, vùng miền, nguồn gốc tật nguyền…
Vì Ngày Mai – Tên đặt như một định mệnh, như một cơ duyên
Tiền thân của Trung tâm Vì Ngày Mai là Cơ sở nhỏ (chưa có tên), được thành lập ngày 8/3/ 2002 với tên gọi “Cơ sở Dạy nghề và tạo việc làm cho TTNKT”. Bước vào hoạt động với muôn vàn khó khăn: cơ sở vật chất nghèo nàn, nhà xưởng đi thuê, phải di chuyển hơn chục lần; kinh phí hoạt động tự trang trải 100%; học viên đến với Trung tâm gặp nhiều bỡ ngỡ, nhìn gì cũng lạ, có em ở nhà chỉ biết quẩn quanh bên khung cửa, có em chưa từng đến trường, nhiều em chưa học hết tiểu học, số ít em học đến cấp II, cấp III… Khó khăn vậy, nhưng mọi người đến với Trung tâm đều có chung cảm nhận, nơi đây tình người thật ấm áp, họ coi nhau là người thân, cởi mở sẻ chia nhau niềm vui, nỗi buồn, khi đói, khi no, cũng như lúc ốm đau, bệnh hoạn luôn bên nhau, tiếp thêm động lực, giúp nhau tự tin phát triển và hòa nhập.
Rồi một ngày, như một định mệnh, như cơ duyên đã đủ. Trong một buổi làm việc cùng nhau, mọi người rôm rả bàn tính “Cơ sở mình phải có một cái tên riêng”, tức thì mỗi người mỗi ý, mỗi tên đặt, nào là “Vươn lên”, nào là “Nghị lực”, “Niềm tin”, “Ngôi nhà ước mơ”…, thôi thì đủ cả, duy có Huyền – học viên khiếm thị, giàu nghị lực vẫn ngồi đó lắng nghe, suy tư, tay vẫn cuốn hoa với những thao tác uyển chuyển, bỗng thốt lên góp chuyện: “Vì Ngày Mai”, cô ạ. Quả là, cái tên hay, rất nghị lực và thật ý nghĩa, nghe mà thấy gần gũi, ấm áp, có phần lãng mạn. Thế là cơ sở Dạy nghề và tạo việc làm cho TTNKT đã có tên “Vì Ngày Mai” để được xướng lên, để tự hào.
Trách nhiệm với cộng đồng
Công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng qua lao động, sinh hoạt, dạy nghề và tổ chức sản xuất tạo việc làm, luôn được Trung tâm coi trọng, từ ngày đầu hoạt động Trung tâm đã xây dựng chiến lược phát triển dựa trên nền tảng phát huy tối đa nội lực, và được triển khai bài bản, hiệu quả với lộ trình cụ thể. Nhờ vậy, Vì Ngày Mai đã tạo được thế và lực vững chắc, kịp thời nắm bắt cơ hội để bứt phá, từng bước trưởng thành, không ngừng gặt hái thành công trên nhiều bình diện. Đó là: Với công tác chăm sóc sức khỏe, Trung tâm thường xuyên liên kết, phối hợp các bệnh viện, các bác sĩ tổ chức khám, chữa bệnh, xoa bóp bấm huyệt; Với công tác dạy nghề, dù gặp nhiều khó khăn do trình độ văn hóa, nhận thức xã hội, hoàn cảnh gia đình… của học viên thì mỗi người mỗi vẻ. Vì thế trước khi dạy nghề, Trung tâm phải dạy chữ, dạy kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống tập thể, và cả sự tự tin hòa nhập cho học viên. Học viên là những người khuyết tật (NKT), mỗi người mỗi dạng tật, người thì yếu về vận động tay, về trí tuệ, người thì không nghe, nói được. Nên, thày phải có phương pháp dạy phù hợp cho từng học viên, phải am hiểu, biết xử lý “tình huống” hiệu quả với từng loại tật… Được vậy mới mong đạt yêu cầu: học viên đã học thì phải hiểu, phải biết viết, biết đọc, biết ra cử chỉ ký hiệu…, có thế mới cùng sống, cùng học nghề cùng làm việc và giao lưu được… Vì Ngày Mai đã làm được điều đó; hay, với công tác dạy nghề kết hợp tạo việc làm: Dạy nghề cho NKT, để họ cùng ăn ở, học tập và làm việc trong cùng môi trường sống là việc rất khó, đặc biệt với người khiếm thị.
Tuy nhiên, “Có công mài sắt có ngày nên kim”, nếu như dạy người bình thường làm thành thạo một bông hoa chỉ mất 2-3 ngày. Nhưng, với NKT trí tuệ phải mất hơn 6 tháng. Thế rồi, còn gì hạnh phúc hơn khi thày trồng cây, cây đã cho “trái ngọt”, còn gì hạnh phúc hơn khi sản phẩm – những cành hoa do NKT, đặc biệt là người khiếm thị làm ra nhìn thật bắt mắt, thật có hồn… Chưa hết, để có được chương trình dạy và học phù hợp luôn là vấn đề nan giải. Dạy gì, để tất cả học viên đều có thể tham gia, rồi khi học xong có tay nghề khá, có việc làm, có thu nhập. Quan trọng hơn, khi rời Trung tâm các em về hòa nhập cộng đồng luôn có khát vọng vươn lên, có bản lĩnh trong cuộc sống, làm chủ được bản thân, sống lạc quan, tự tin và hòa nhập tốt… Để làm được điều này, việc dạy nghề phải hướng tới sản phẩm đầu ra phải đa dạng, phong phú. Và mặt hàng thủ công quà tặng trở thành tâm điểm khơi gợi cảm hứng, thổi bùng sự sáng tạo trên nền tảng các nghề truyền thống: May, thủ công mỹ nghệ, sơn mài , thêu, mộc, họa, điêu khắc… Nhờ vậy, khi ra trường học viên đều tự tin, có tư duy làm việc không thua kém người bình thường.
Đến với Trung tâm, học viên đâu chỉ học nghề, làm việc, các em còn được học kỹ năng bổ trợ cho tư duy và bổ trợ nghề: được học vẽ và chụp ảnh (sản phẩm làm ra là quà tặng) nên rất cần có kiến thức về mẫu mã, hình dáng, kết hợp màu sắc…. Kết thúc khóa dạy nghề, Trung tâm thường có 2 chương trình đào tạo tiếp (bắt buộc học viên phải tham gia), đó là thiết kế và ý tưởng sáng tạo; đó là khởi nghiệp kinh doanh. Qua đó, giúp các em có kiến thức nắm bắt tình hình giá thành sản phẩm, biết làm việc nhóm, phân công lao động đối với từng công đoạn trên sản phẩm và hơn nữa còn biết nuôi dưỡng mộng làm “ông chủ”.
Trung tâm thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu cho mọi tầng lớp trong cộng đồng gặp nhau: đi thăm quan được leo núi, xe lăn lần đầu được xuống biển, giao lưu ngày Trung thu, Noel, giữa các nhóm NKT và sinh viên… Qua đây giúp các em tự tin hoà nhập cộng đồng, và cũng để mọi người trong xã hội đồng cảm, trách nhiệm với nhóm người yếu thế, trong đó có NKT…. “Trường đời” có nhiều điều thú vị, bổ ích, luôn kích thích sự tò mò, muốn khám phá, cùng khát vọng của con người muốn đi tìm cái mới.
Điển hình, Thương Thương, mắc bệnh xương thủy tinh không đi, không ngồi được, em chỉ cao như bé 1 tuổi. Ngày đầu đến Trung tâm còn run sợ, bố mẹ em lo lắng: “Chúng tôi không dám đưa con ra đường vì bị dị nghị, xa lánh. Khi bố mẹ già mất đi, con sống thế nào…”. Sau nhiều năm cần mẫn, bố mẹ đưa em đến Trung tâm, cùng sự nỗ lực vươn lên của Thương Thương – em đã thay đổi được nhận thức, số phận để bản thân không thua kém ai. Giờ đây, em là một chủ doanh nghiệp, giúp hơn 10 bạn khuyết tật và chạy thận tại nhà, có việc làm ổn định. Thành công của Thương mang lại niềm tự hào cho gia đình, làm thay đổi cái nhìn không mấy thiện cảm của người đời về “NKT tàn nhưng không phế”; Hay với Mai – nhà có 3 anh em đều bị khiếm thị, 4 năm học đại học và làm hoa tại Trung tâm. Thành công của em-người khiếm thị, thật đáng ngưỡng mộ, em đã tốt nghiệp Đại học, hiện đang là phó chủ tịch Hội người mù quận Hà Đông (Hà Nội).
Rồi, trong một lần Trung tâm đi khảo sát tìm địa điểm thực hiện dự án đào tạo tại cộng đồng do Tổ chức Caritas Đức tài trợ. Chúng tôi đến với nhóm Phụ nữ khuyết tật (PNKT) ở Sóc Sơn (tại ngôi nhà lá dột nát-thuê 500.000đ/tháng). Chị em ở đây đang loay hoay tìm việc, với hướng đi mung lung lắm. Song với một dự án nhỏ, Vì Ngày Mai đã mang đến cho họ – Ngày khai giảng chúng tôi mời các cấp chính quyền địa phương đến dự, một vị lãnh đạo phát biểu “Họ cũng là NKT, không thân thích, không trách nhiệm mà mang dự án đến giúp NKT địa phương mình, vậy tại sao mình lại thờ ơ, chúng tôi sẽ cố gắng tạo điều kiện cho nhóm phát triển”- Câu nói thật ấn tượng đã để lại trong tôi – Bà Lê Minh Hiền – nguyên Giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai chia sẻ. Được sự hỗ trợ của chính quyền, cùng sự khát khao vươn lên của trưởng nhóm Đinh Quỳnh Nga, đến nay Hợp tác xã Trái Tim Hồng đang phát triển, giúp hơn 50 phụ nữ khuyết tật (PNKT) có việc làm thu nhập ổn định với nghề đan hạt gỗ…; Gần đây, một nhóm gồm các em ở Trung tâm, chưa tìm được “chỗ đứng” cho bản thân (do Trung tâm chuyển địa điểm mới, xa hơn), các em chia sẻ: “Ở với cô nhiều năm rồi, đã đến lúc chúng cháu phải tự mình bươn chải” – các em đã thành lập nhóm làm việc. May thay đã có doanh nghiệp đỡ đầu, nên ngày đầu tách khỏi Trung tâm các em đã có việc làm ổn định luôn. Hy vọng các em sẽ trưởng thành và phát triển như các nhóm bạn đã từng đi lên từ Trung tâm.
Thành quả mang lại
Thực hiện phương châm “4 tự”: tự thuê nhà xưởng, tự kêu gọi trang trải kinh phí hoạt động, tự tổ chức hoạt động, và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Với tinh thần đoàn kết, không ngừng phát huy nội lực, để rồi sau 20 năm hoạt động, trải qua không ít thăng trầm, nhưng Vì Ngày Mai vẫn vượt qua thách thức một cách ngoạn mục, gặt hái không ít thành công: đã đào tạo dạy nghề, tạo việc làm cho hơn 1.600 TTNKT trong cả nước với trên 80% học viên ra trường có việc làm ổn định; đã có hơn 6 nhóm tự lực như “Vì Ngày Mai ban đầu” và có 5 doanh nghiệp do các em làm chủ, đang giúp khoảng 400 em khuyết tật có việc làm. Đặc biệt, Vì Ngày Mai đã trở thành “cái nôi” kết duyên, mang lại hạnh phúc cho hơn 70 đôi vợ chồng NKT; tại chương trình “Mùa đông ấm áp”, Trung tâm đã tặng 262 bộ chăn, ga, gối cho PNKT ở Ba Vì, Sóc Sơn, Thanh Oai, Bắc Từ Liêm, Nam Định; Cá nhân hội viên và học viên học nghề tại Trung tâm đã đạt 2 Danh hiệu nghệ nhân, 3 Danh hiệu “Bàn tay vàng” do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao tặng; Vũ Thị Mai (em chưa từng được đến trường), nhưng đã xuất sắc giành Giải ba tại Cuộc thi tin học TTNKT Việt Nam và Hàn Quốc; Hàng năm Trung tâm tham gia các Hội chợ trong, ngoài nước: Philippines, Đức, Hàn Quốc… để tạo thêm thu nhập cải thiện đời sống cho các cháu; Năm 2012, Giám đốc trung tâm là 1 trong 2 PNKT Việt Nam được cử tham dự Hội nghị PNKT Quốc tế tại Hàn Quốc; Năm 2014, Trung tâm được tổ chức Caritas Đức đánh giá cao về thành tích hoạt động và được mời sang Đức thăm quan, học hỏi các tổ chức nhân đạo ở Đức.
Ngoài ra, không thể không nhắc tới đội ngũ giáo viên là những nghệ nhận đã có nhiều đóng góp hiệu quả cho thành công của Trung tâm, đó là các thầy giáo: Doãn Trí Trung (Nghệ nhân sơn mài), Thái Văn Tặng (Nghệ nhân thêu), nhiều năm tâm huyết gắn bó với Trung tâm, các thày đã đào tạo nhiều thế hệ học viên có tay nghề khá và giỏi, khi ra trường các em đều tự kiếm sống bằng nghề; thày Đặng Thanh (Nghệ sĩ nhiếp ảnh), dạy chụp ảnh; Thày Sơn (Họa sĩ) dạy vẽ; Bà giáo Trịnh Thục Bằng (Nghệ nhân hoa lụa), tuy đã ngoài 80 tuổi, vẫn nhiệt tình dạy bảo “đàn” con, cháu ngây ngô làm hoa… Các thày cô, đến với Trung tâm, đến với các em khuyết tật đều nhiệt tình, tâm huyết trong việc truyền và dạy nghề cho các em. Ấn tượng hơn, ở đây còn có 01 giáo viên trưởng thành, đi lên từ học viên. Ngày đầu đến trung tâm em còn lóng ngóng, rụt rè, mỗi bàn tay của em chỉ có 2 ngón. Song, với nghị lực ham học hỏi, tự vươn lên, để rồi từ một học viên em trở thành giáo viên trợ giảng, rồi giáo viên dạy may, thành Nghệ nhân và được Hiệp hội làng nghề Việt Nam trao tặng Danh hiệu “Bàn tay vàng”, đó là chị Nguyễn Thị Hương (quê Hà Nam), hiện là phó Giám đốc của Trung tâm… còn rất, rất nhiều gương sáng về thày trò nơi đây. Nhưng tựu lại, họ có một điểm chung đó là trách nhiệm, là tình thương bao la dành cho học viên không thể đong đếm được. Học viên của họ là NKT đấy, nhưng đâu có thua kém người bình thường. Đó là điều khẳng định bất biến.
Tạo dựng được uy tín trong cộng đồng xã hội nói chung, trong lĩnh vực dạy nghề tạo việc làm cho TTNKT nói riêng, thương hiệu “Vì Ngày Mai” đã, đang ngày một lan tỏa, được khẳng định. Nên Trung tâm luôn nhận được sự giúp đỡ từ nhiều phía: Vụ Quan hệ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTB-XH); Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam; và các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước: tổ chức Caritas Đức, Marynol, Thrir, quỹ, các đại sứ quán Mỹ, Đức, Úc, Hàn Quốc…
Ghi nhận thành tích đạt được ở chặng đường 20 năm qua, các cấp Bộ, ngành TW, địa phương, các tổ chức Hội đoàn thể trong, ngoài nước đã khen thưởng tập thể, cá nhân Trung tâm Vì Ngày Mai: Bộ LĐTB-XH; Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hiệp hội SXKD NKT Việt Nam, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng nhiều Bằng khen (từ năm 2002 đến nay); Năm 2009, Tổ chức Đông Tây hội ngộ, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV4), Bộ LĐTB-XH, đánh giá, bình chọn là một trong 10 tổ chức của NKT tốt nhất ở Việt Nam về lĩnh vực dạy nghề và việc làm; Năm 2011, Tổ chức công bằng Thương mại thế giới (WFTO) kiểm toán đã kết nạp Trung tâm là thành viên của Tổ chức (Trung tâm là đơn vị NKT đầu tiên của Việt Nam tham gia thành viên của tổ chức này); là đơn vị đầu tiên của Việt Nam được Hàn Quốc trao tặng “Giải thưởng vì cộng đồng”, (lần đầu Hàn Quốc trao Giải thưởng này cho tổ chức nước ngoài); nhiều năm (2012-2016 và 2020), tập thể, cá nhân được thành phố Hà Nội, các Bộ: LĐTB-XH, Công Thương tặng Bằng khen; năm 2013, đạt “TOP” 50 Danh hiệu sản phẩm được Thủ đô tin dùng; năm 2014: lọt “TOP” 50 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam và đạt Giải thưởng “Phụ nữ sáng tạo” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới bình chọn; Giám đốc và tập thể được lựa chọn là NKT và tổ chức NKT tiêu biểu được gặp, nhận quà và huy hiệu do Chủ tịch nước tặng; Năm 2015: Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng quà, huy hiệu; Thủ tướng tặng kỷ vật và Danh hiệu “Vinh quang Việt Nam”; Năm 2016 -2017: Trung Tâm nhận Chứng nhận “Tổ chức Thực hành tốt – Minh bạch – Trách nhiệm giải Trình” do Đại sứ Ailen và Trung Tâm Phát triển bền vững trao tặng; đạt Danh hiệu “Dịch vụ vàng vì cuộc sống Việt”…
Sẽ còn nhiều nữa những giá trị hữu hình và vô hình làm nên giá trị thương hiệu “Vì Ngày Mai”. Đó là, có hướng đi đúng cùng quyết tâm và khát vọng, đó là năng lực lãnh đạo, là quy mô hoạt động, là hệ thống bạn hàng, đối tác lớn… Tất cả những yếu tố này đã, đang được hội tụ để tạo nên một thương hiệu “Vì Ngày Mai” lớn mạnh, vượt trội, trở thành “điểm đến” uy tín của TTNKT Việt Nam.
Anh Thư