Câu chuyện của những người chọn viện dưỡng lão làm nơi dừng chân

Câu chuyện của những người chọn viện dưỡng lão làm nơi dừng chân

Sự xuất hiện của viện dưỡng lão như một nhu cầu tất yếu của đời sống xã hội hiện đại. Nơi đây cũng giống như một xã hội thu nhỏ với những hoàn cảnh, số phận và cuộc đời riêng. Những ai đã chọn viện dưỡng lão làm chốn dừng chân thì cũng đồng nghĩa với việc đây sẽ là nơi viết nên đoạn kết cho cuộc đời mỗi người. Đoạn kết ấy vui thì ít mà nỗi buồn, sự day dứt, xót xa lại nhiều quá đỗi.

Kiếp tằm rút ruột nhả tơ

Một ngày cuối thu, chúng tôi có dịp ghé thăm một trung tâm nuôi dưỡng chăm sóc người cao tuổi ở Đông Anh – Hà Nội, nơi hiện đang chăm sóc hơn 70 cụ. Tiếp chúng tôi là ông trưởng phòng hành chính Lê Thái Cơ, người đã gắn bó với trung tâm này hơn 6 năm nay kể từ khi trung tâm được thành lập.

Chia sẻ về những hoàn cảnh cụ thể được đưa vào đây, ông Cơ cho biết: “Hoàn cảnh các cụ ở đây đa dạng lắm. Có những cụ từng là cán bộ cao cấp trước kia miệt mài cống hiến cho xã hội, nay đã về nghỉ hưu, già yếu. Có trường hợp các cụ đuề huề con cháu, có cụ lại không con cái, không người thân thích. Có cụ con cái ra nước ngoài sinh sống, có cụ bệnh tật, liệt rồi bị lẫn… mỗi người là một hoàn cảnh, một câu chuyện”.

Tâm sự của người già trong viện dưỡng lão

Cụ Hoàng T. V. (88 tuổi) đã có thâm niên 4 năm ở trung tâm

Tìm gặp một trong những cụ đã có thâm niên ở viện, chúng tôi trò chuyện với cụ Hoàng T. V. (88 tuổi), người đã gắn bó với viện 4 năm nay. Cụ hiện còn khá minh mẫn dù chân đau, cơ thể cũng đã yếu, phải ngồi xe lăn. Trước kia cụ là giảng viên chính trị, cụ bà là kế toán trưởng. Hai cụ được 4 người con, 2 trai, 2 gái. Các con cụ hiện đều rất thành đạt. Cụ tự hào kể: “Anh con cả của tôi làm giám đốc, con gái thì một người là tiến sỹ khoa học, một người là kỹ sư”. Ngày cụ bà bị bệnh, phải nằm một chỗ, con cái ai cũng có công việc, bận rộn cả ngày, không thể chăm sóc được, cụ ông cũng đã già yếu nên cuối cùng hai cụ đều tự nguyện vào trung tâm này. Hai cụ ở với nhau trong viện dưỡng lão từ đó. Hai năm trước, cụ bà về với tổ tiên, để lại một mình cụ ông thui thủi trong căn phòng nhỏ. Khi chúng tôi hỏi: “Giờ chỉ còn mình, sao cụ không chuyển về nhà với con cháu?”. Cụ cười buồn: “Các con tôi cũng có ý định đón bố về nhưng nhà cửa chật hẹp, không có không gian, chúng lại đi làm suốt, chẳng có ai ở nhà nên tôi vẫn ở lại đây”.

Gia đình cụ vốn có truyền thống hiếu học, không chỉ các con cụ thành đạt mà 7 người cháu cũng đều tốt nghiệp đại học. Hàng tuần con cháu vẫn vào thăm cụ. Những khi nhớ con, nhớ cháu cụ chỉ còn biết gọi điện thoại. Cụ bảo: “Ai chẳng muốn về quê nhưng giờ lại thêm chân đau, sinh hoạt khó khăn mà về nhà cũng không có người trò chuyện”. Mỗi khi nhà có việc, các con cụ lại vào đón bố về nhưng cụ đã quen với nếp sinh hoạt ở trung tâm này, nên về nhà hôm trước là hôm sau cụ lại vào ngay.

Cụ V. là một trong những người của lớp trí thức già, có địa vị xã hội và có những cống hiến nhất định, nay ở cái tuổi gần đất xa trời, họ lại tập trung vào đây. Ở trung tâm chăm sóc người cao tuổi này, có cụ từng là giáo sư, bác sỹ, dù vào đến Viện Dưỡng lão vẫn say mê đọc sách, nghiên cứu, tìm hiểu. Có người là nhà giáo, đào tạo bao thế hệ học trò để rồi hàng năm cứ đến dịp 20/11, học sinh của ông lại kéo đến đây chúc mừng thầy. Rất nhiều trường hợp tìm đến với trung tâm, chọn đó là điểm dừng chân sau chặng đường cống hiến cho đời. Với họ, niềm vui có được hiện giờ là những câu chuyện chắp nối của quá khứ. Trong lúc cao hứng, cụ V. đọc mấy câu thơ khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ:

“Tằm ơi ta cũng sống như ngươi

Rút ruột nhả tơ dệt cho đời

Cuối cùng ta cũng trần như nhộng

Nhưng vẫn còn vương nợ với đời”.

Tưởng rằng, cụ là một trong những người sẽ rất vui và hạnh phúc vì vẫn nhận được sự quan tâm từ con cháu, nhưng nhìn dáng cụ ngồi trên chiếc xe lăn quay trở lại phòng, sau khi đọc mấy câu thơ ấy mới thấy hết cái cô quạnh của tuổi già. Có ai biết, cụ đã từng oai nghiêm đứng trước bao thế hệ học trò, gây dựng sự nghiệp “trồng người” cao quý, để rồi nay, trong cái tuổi gần đất xa trời lại lẽo đẽo một thân một mình chống chọi với đau đớn, bệnh tật trong căn phòng riêng. Quả thật, không gì khắc nghiệt như thời gian, dẫu biết rằng đó là quy luật muôn đời.


Cụ Ngô Nguyên D. (81 tuổi) đang ngồi nghỉ ở khu vực sân.

Mong sao trước khi “ra đi” được gặp con

Dạo quanh khu sân chơi, chúng tôi gặp cụ Ngô Nguyên D. (81 tuổi) đang ngồi nghỉ ở ghế đá. Thấy có người đến hỏi thăm, cụ hồ hởi chia sẻ. Nhưng câu chuyện cụ kể, điều cụ nhớ và muốn nhắc đến toàn những chuyện ngày xưa, chuyện thời tham gia thanh niên xung phong, thời trai trẻ. Cụ bà năm nay đã 75 tuổi, hai thân già nhiều khi trái tính trái nết không nói chuyện được với nhau nên chẳng bao giờ cụ bà vào thăm cụ ông. Chỉ có các con thỉnh thoảng lui tới. Hỏi cụ về cuộc sống ở viện dưỡng lão, cụ bảo: “Sự chăm sóc ở đây cũng được nhưng vẫn thấy buồn lắm”. Ánh mắt và giọng nói của người già sao nghe xót xa đến thế!

Cụ V. hay cụ D. vẫn còn được con cái thăm nom, quan tâm đến nhưng còn nhiều những số phận éo le, những kiếp người bất hạnh. Chia sẻ với chúng tôi về những trường hợp đã từng vào viện khiến vị trưởng phòng hành chính Lê Thái Cơ nhớ mãi. Ông trầm ngâm: “Thương nhất là những cụ bệnh tật cuối đời không có người thân thăm nom, đến phút cuối cũng không được gặp mặt con cháu lần cuối”.

Trường hợp cụ Nguyễn Thị G., ngoài 70 tuổi, cụ bị tai biến phải nằm một chỗ. Vì không có con cái nên cũng không có người chăm sóc, cụ phải nhờ đến họ hàng. Mỗi người một chút, một ít đóng góp đưa cụ vào đây. Cũng có cụ được đưa vào viện trong tình trạng bị lẫn, không nơi nương tựa. Chẳng ai biết cụ ở đâu, từ đâu đến, chỉ thấy ngày ngày cụ cứ ở quanh quẩn ở một phường nọ. Cuối cùng, chính quyền phường quyết định nhờ đến sự hỗ trợ của trung tâm và chịu một phần chi phí chăm sóc cụ. Lúc mất, cụ được cơ sở chính quyền của phường lo hậu sự bởi vẫn chẳng ai biết được quê quán, gia đình của cụ ở đâu để báo tin.

Câu chuyện có lẽ khiến nhiều người thấy xót xa là trường hợp một cụ bà bị tai biến. Hai vợ chồng cụ ly hôn, cụ sống với người con trai. Vì bị bệnh, không người chăm sóc được mẹ nên người con quyết định đưa mẹ vào trung tâm. Sau khoản đóng góp ban đầu, dần dần không thấy người con quay lại thăm mẹ và đóng góp chi phí chăm sóc. Nghe đâu, anh này làm ăn thất bát, vỡ nợ phải trốn đi xa. Từ đó, suốt hơn 2 năm, người mẹ già tuy bị liệt nhưng tinh thần trí tuệ vẫn minh mẫn ấy luôn mong ngóng tin con. Trước khi mất, điều mong muốn cuối cùng của cụ là được gặp con cháu nhưng mọi tin tức về người con đều bặt vô âm tín, khiến nguyện vọng cuối cùng của cụ chẳng thể thực hiện được. Đó cũng là điều khiến những người chăm sóc cụ băn khoăn, day dứt. Cũng chẳng biết giờ này, người con ấy ở đâu, đã biết tin mẹ mất hay chưa?

Share this post