Viện dưỡng lão có phải là nỗi buồn sau những nụ cười không?

Trung tâm phục hồi chức năng - Viện dưỡng lão Tuyết Thái

Viện dưỡng lão có phải là nỗi buồn sau những nụ cười không?

Tết nguyên đán là ngày các gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau sau một năm làm việc vất vả. Tuy nhiên với các cụ già tại Trung tâm điều dưỡng Tuyết Thái, đó lại là ước mơ khó thành hiện thực trong những ngày cuối năm. Bởi hầu hết các cụ không về nhà mà ở lại ăn Tết cổ truyền ngay tại trung tâm. Thế nhưng cũng có nhiều cụ cả năm không ở viện dưỡng lão nhưng đến Tết lại được con cháu gửi vào vì bận đi du lịch, không có ai ở nhà trông nom.

Khắc khoải ngóng con của các cụ trong viện dưỡng lão

Trung tâm điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Tuyết Thái đã hoạt động được hơn 5 năm, có địa chỉ tại Thôn Đại Đồng – Xã Đại Mạch – Huyện Đông Anh – Hà Nội. Trung tâm rộng 10ha gồm khu hồ, vườn trồng rau rộng 4ha, 2ha trồng cây ăn trái với một khu hoàn chỉnh gồm 200 giường, 3 hội trường và 1 phòng tập phục hồi chức năng, với hơn 100 người cao tuổi đang sống tại đây. Đây là trung tâm được xây dựng theo mô hình của Nhật Bản và Đức với các khu nhà ở cao cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Những căn phòng được bố trí đầy đủ tiện nghi, sạch sẽ, ngăn nắp. Khi chúng tôi đến thăm, các cụ đang trong giờ ăn trưa. Tại nhà ăn, các cụ được phục vụ theo nhu cầu. Có cụ ăn cơm với thức ăn bình thường, có cụ ăn cháo, có cụ lại ăn súp. Các cô điều dưỡng lần lượt đeo cho các cụ những chiếc yếm màu xanh lá cây. Những cụ không tự xúc được sẽ được các cô điều dưỡng kiên nhẫn đút từng thìa. Hầu hết các cụ tại đây đều trên 70 tuổi, có nhiều cụ trên 90 tuổi. Số ít khỏe mạnh còn đa phần đều đã lẫn, hoặc bị liệt, hoặc bị các bệnh mãn tính.

Trung tâm phục hồi chức năng - Viện dưỡng lão Tuyết Thái

Trung tâm phục hồi chức năng – Viện dưỡng lão Tuyết Thái

Cụ Nguyễn Thị Hòa (80 tuổi, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) kể: “Tôi có 4 người con trai, đều thành đạt, có người làm giám đốc, người làm bác sĩ. Do bị cao huyết áp nên tôi bị tai biến 2 lần, giờ bị liệt hai chân, không đi lại được. Trước đây các con thay nhau đón tôi về ở, mang tiếng là ở với con nhưng tôi ở với người giúp việc là chủ yếu. Vì chúng nó bận việc đi tối ngày. Người giúp việc thì cũng khó tìm. Nhiều khi họ xin nghỉ, lại khốn khổ tìm người khác. Thấy các con quá vất vả nên tôi đề nghị cho tôi vào viện dưỡng lão. Giờ tôi đã ở đây được 3 năm. Các y tá chăm sóc rất chu đáo. Tết đầu tiên các con đến đón tôi về nhưng 2 Tết gần đây thì tôi ở lại đây luôn. Vì về thì cũng không có người chăm sóc. Ngày Tết người giúp việc về quê hết. Chúng nó thì bận suốt nên tôi toàn phải ở nhà một mình”.

Khi được hỏi bà có muốn được ăn Tết nguyên đán ở nhà không thì cụ rơm rớm nước mắt: “Muốn lắm chứ, người già chỉ có niềm vui duy nhất là quây quần bên con cháu. Tôi thèm lắm bữa cơm được ăn cùng với con cháu. Cứ đến 23 Tết, một số ông bà được con cháu đến đón về vui lắm. Chúng tôi nhìn thấy lại tủi thân”.

Còn cụ Nguyễn Văn Toản (90 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội) thì bảo: “Mỗi tháng con cái phải đóng trên dưới chục triệu đồng, phải gia đình có điều kiện mới cho bố mẹ ở đây được đấy. Nhà nghèo không vào đây được đâu cô ạ. Nhiều năm nay Tết tôi vẫn ở đây, đã coi như đây là ngôi nhà của mình. Có khi đến lúc nhắm mắt xuôi tay tôi cũng ở đây thôi”. Cụ Toản kể cụ có 2 con gái, vợ mất lâu rồi. 2 con gái lại ở nước ngoài nên cụ đã đến đây sống được 3 năm. Một hai năm con mới về thăm cụ một lần.

Tổ chức sinh nhật cho các cụ tại Viện dưỡng lão Tuyết Thái

Tổ chức sinh nhật cho các cụ tại Viện dưỡng lão Tuyết Thái

Theo ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Tuyết Thái, phần lớn các cụ sống tại trung tâm đều già yếu và bị các bệnh mãn tính. Đã nhiều cụ “ra đi” ngay tại trung tâm. Tết đến chỉ có một lượng nhỏ các cụ về nhà đón Tết đoàn viên với gia đình còn đa phần ở lại trung tâm. Chính vì vậy năm nào trung tâm cũng tổ chức cho các cụ đón Tết như ở nhà. Mỗi phòng của các cụ đều được trang trí đào hoặc quất, tổ chức thi gói bánh chưng. Đêm Giao thừa, Ban Giám đốc sẽ đến chúc Tết, mừng tuổi để các cụ bớt đi cảm giác cô đơn. Mặc dù là ngày Tết nhưng cán bộ, nhân viên của trung tâm vẫn phải làm việc, ứng trực như ngày bình thường.

Con đi du lịch, gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão để có dịch vụ chăm sóc tốt hơn

Những năm gần đây, dù là trong dịp Tết nguyên đán nhưng trung tâm vẫn tiếp nhận một số cụ mới vào. Ông Tuấn Anh chia sẻ: “Nhiều gia đình ngày Tết cổ truyền con cái đi du lịch hoặc người giúp việc về quê, không có ai chăm sóc nên vẫn đưa bố mẹ đến đây ở 10 ngày Tết. Có thời điểm có 5 cụ đến ở Tết thì sau Tết2 cụ xin ở lại đây luôn. Tâm lý chung của người cao tuổi là ngày Tết muốn được gần con cháu nên khi thấy có cụ được người nhà đón về mà mình chưa được về, có cụ nước mắt rơm rớm tủi thân. Vì thế, các y tá phải động viên các cụ, tạo không khí vui vẻ để những người già trong trung tâm không thấy chạnh lòng”.

Sinh hoạt cộng đồng tại Viện dưỡng lão Tuyết Thái

Sinh hoạt cộng đồng tại Viện dưỡng lão Tuyết Thái

Ngoài những người già được đưa vào trung tâm do con cháu không có điều kiện chăm sóc thì cũng có những trường hợp đưa bố mẹ vào trung tâm dưỡng lão để trốn tránh trách nhiệm. Gần 2 năm nay, Viện dưỡng lão Tuyết Thái nuôi một cụ bà mà hàng tháng con cháu không gửi tiền đóng góp, cũng không đến thăm nom. Trung tâm nhiều lần liên lạc nhưng đều bặt vô âm tín. “Số tiền gia đình nợ trung tâm đã lên đến gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên điều chúng tôi lo nhất là lúc cụ ốm đau hoặc chẳng may có vấn đề gì xảy ra chúng tôi không biết phải liên lạc với gia đình như thế nào”. Một cụ ông người Nhật Bản cũng đang được trung tâm nuôi dưỡng miễn phí. Cụ không có vợ con, đã sống tại Việt Nam nhiều năm. Những năm gần đây cụ bị ốm đau nên đã được Đại sứ quán Nhật Bản nhờ trung tâm trông nom chăm sóc.

Mỗi người già vào Trung tâm dưỡng lão Tuyết Thái có một hoàn cảnh khác nhau nhưng khi đã vào đây, tất cả họ được gắn kết như một gia đình nhờ những tình cảm chân thành từ phía Ban Giám đốc, các y, bác sĩ và giữa những người cao tuổi với nhau. Mỗi tháng, trung tâm đều tổ chức sinh nhật cho các cụ có ngày sinh trong tháng đó. Nhiều cụ khi được nhận quà còn khóc bảo cả đời chả biết ngày sinh nhật là gì. Những ngày 20-11, 27-2, hay 22-12 trung tâm cũng đều tổ chức và tặng hoa cho những cụ đã từng làm giáo viên, bác sĩ, quân đội… Ngoài khu vui chơi, khu chăm sóc tích cực của trung tâm được đầu tư thiết bị y tế đầy đủ với hệ thống ôxy trung tâm, máy tạo ôxy, máy hút đờm… đảm bảo xử lý ban đầu cho các cụ khi có tai biến thứ phát xảy ra và chuyển tới các bệnh viện chuyên khoa điều trị kịp thời. Ở đây, người cao tuổi sẽ được theo dõi 24/24h và chăm sóc một cách tốt nhất để có thể mau chóng hồi phục sức khỏe. Tại trung tâm hiện có 2 vợ chồng các cụ cũng đến đây sống cùng nhau. Trung tâm thiết kế một căn hộ nhỏ gồm một phòng ngủ, một phòng khách, phòng ăn, một buồng tắm và một cô y tá riêng luôn ở bên cạnh.

Mặc dù vậy, mỗi khi năm hết Tết đến, những người già nơi đây, dù là cô đơn không con cháu hay đã là những bậc cha mẹ, ông bà, từ trong sâu thẳm vẫn luôn mong chờ một cái Tết ấm êm bên những người thân yêu trong gia đình của mình.

Share this post