Tạo điểm tựa, thay đổi số phận

Tạo điểm tựa, thay đổi số phận

Tạp chí Vì Trẻ Em – Cơ quan của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, vừa có bài “Vì Ngày Mai – Nơi tạo việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật”, viết về Trung tâm Vì Ngày Mai – đơn vị do chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết (Tổng giám đốc Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Tuyết Thái) làm giám đốc.

Nói về công tác dạy nghề nơi đây, chị Nguyễn Thị Hương – Phó giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai (Thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, đã gặp nhiều khó khăn do trình độ văn hóa, nhận thức xã hội, hoàn cảnh gia đình… của học viên thì mỗi người mỗi vẻ. Vì thế trước khi dạy nghề, Trung tâm phải dạy chữ, dạy kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống tập thể, và cả sự tự tin hòa nhập cho học viên.

Học viên là những người khuyết tật, mỗi người mỗi dạng tật, người thì yếu về vận động tay, về trí tuệ, người thì không nghe, nói được. Nên, người truyền nghề phải có phương pháp dạy phù hợp cho từng học viên, phải am hiểu, biết xử lý tình huống hiệu quả với từng loại tật… Được vậy mới mong đạt yêu cầu: Học viên đã học thì phải hiểu, phải biết viết, biết đọc, biết ra cử chỉ ký hiệu…, có thế mới cùng sống, cùng học nghề cùng làm việc và giao lưu được…

Theo Phó giám đốc Nguyễn Thị Hương, dạy nghề cho người khuyết tật, để họ cùng ăn ở, học tập và làm việc trong cùng môi trường sống là việc rất khó, đặc biệt với người khiếm thị. Tuy nhiên, “Có công mài sắt có ngày nên kim”, nếu như dạy người bình thường làm thành thạo một bông hoa chỉ mất 2-3 ngày. Nhưng, với người khuyết tật trí tuệ phải mất hơn 6 tháng.

Thế rồi, còn gì hạnh phúc hơn khi thày trồng cây, cây đã cho trái ngọt, còn gì hạnh phúc hơn khi sản phẩm – những cành hoa do người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị làm ra nhìn thật bắt mắt, thật có hồn… Chưa hết, để có được chương trình dạy và học phù hợp luôn là vấn đề nan giải. Dạy gì, để tất cả học viên đều có thể tham gia, rồi khi học xong có tay nghề khá, có việc làm, có thu nhập.

Quan trọng hơn, khi rời Trung tâm các em về hòa nhập cộng đồng luôn có khát vọng vươn lên, có bản lĩnh trong cuộc sống, làm chủ được bản thân, sống lạc quan, tự tin và hòa nhập tốt… Để làm được điều này, việc dạy nghề phải hướng tới sản phẩm đầu ra phải đa dạng, phong phú. Và mặt hàng thủ công quà tặng trở thành tâm điểm khơi gợi cảm hứng, thổi bùng sự sáng tạo trên nền tảng các nghề truyền thống: May, thủ công mỹ nghệ, sơn mài, thêu, mộc, họa, điêu khắc… Nhờ vậy, khi ra trường học viên đều tự tin, có tư duy làm việc không thua kém người bình thường.

Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết – Tổng giám đốc Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Tuyết Thái, kiêm giám đốc Trung tâm Vì Ngày Mai cho biết, Ban lãnh đạo Trung tâm đang nỗ lực tiếp tục hỗ trợ các em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, trên tinh thần: Tạo một cơ sở ăn ở và làm việc ổn định cho các em; Phối hợp với các tổ chức hướng nghiệp dạy nghề cho các em; Tìm đầu ra cho các sản phẩm do các em làm ra; Tìm các nguồn tài trợ giúp đỡ cho các em có nghề nghiệp và cuộc sống ổn định. “Tôi rất mong được sự quan tâm giúp đỡ hơn nữa của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, sẽ sát cánh cùng chúng tôi chung tay tạo lập cho các em một môi trường sống thực sự hạnh phúc”, chị Bạch Tuyết bày tỏ.

Share this post