TÂM LÝ NGƯỜI CAO TUỔI VÀ CÁCH CHĂM SÓC “CÁC CỤ”
Người già có nhiều nỗi khổ và nhiều nỗi sợ. Sợ cô đơn, sợ bị bỏ rơi, sợ chết… chỉ là ba trong số rất nhiễu nỗi sợ của họ. Những nỗi sợ của người già đều có căn cứ, không phải là “bệnh”.
Trước tiên, khi già các cụ thường nghĩ mình vô dụng, nên sợ bị coi thường, bỏ rơi. Thực tế cuộc sống cũng đã cho khá nhiều “bài học nhãn tiền” về chuyện này. Khi già, cơ hội tiếp xúc, giao lưu, đi lại hạn chế, nên cô đơn. Con cháu bận rộn, không có thời gian ở quanh cha mẹ già, khiến các cụ “ngồi không nghĩ quẩn”, rằng cứ thế này, một ngày nào đó mình có ốm, có đột quỵ, có chết, chưa chắc “chúng nó” đã biết. Tiền không làm ra, sống khá phụ thuộc, đa số người già sống qua thời đói khổ, thời bao cấp, nên ám ảnh về “cái đói” vẫn đeo đẳng đến nay. Ki cóp, cất giấu tiền bạc, thức ăn, tiết kiệm thái quá cũng là để phòng khi cơ nhỡ… Vẫn biết ốm thì đi viện, song dịch vụ y tế của chúng ta còn nhiều vấn đề nan giải, khiến các cụ (và không chỉ các cụ) lo lắng, sợ sệt khi ốm đau. Nhiều cụ ước “đau một giây, chết một giờ”, không phải đi viện! Nỗi sợ, nỗi buồn, sự lo lắng dồn tích lâu ngày không được giải tỏa sẽ sinh ốm đau, bệnh tật, lẩn thẩn, sa sút tâm trí, lại càng khổ cho các cụ và con cháu. Vì vậy, hiểu tâm lý và chia sẻ, hỗ trợ các cụ, giúp các cụ sống vui, sống khỏe vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là |tự giúp mình”.
Yêu trẻ, trẻ đến nhà; kính già, già để tuổi cho. Một là: Tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho các cụ để dù cao tuổi cũng không bị trì trệ trí tuệ, vẫn minh mẫn tinh thần. Nhắc nhở và tạo điều kiện để các cụ tham gia các tổ, nhóm, CLB, các tổ chức đoàn thể ở địa phương, đi lễ, đi hội, thể dục, thể thao… để có cơ hội giao lưu, giảm bớt cô đơn, phóng tránh nỗi lo một mình, sợ chết. Hai là: Dù đã nghỉ hưu, hay lớn tuổi, dù gia đình kinh tế không khó khăn, con cái vẫn tạo điều kiện để cha mẹ già tham gia lao động vừa sức, vừa có thu nhập, vừa vui, không cảm thấy mình là người thừa, người vô dụng. Tạo điều kiện để cha mẹ có bạn già, mua sách, báo cho các cụ “nghiên cứu”, để cập nhật thông tin cuộc sống, tránh tụt hậu quá xa.
Ba là: Phân công nhau dành thời gian cho cha mẹ, đơn giản là ngồi nói chuyện, đưa đi lễ, về quê. Luôn luôn nhắc các cụ “vẫn còn khỏe” và là “niềm vui cho con cháu”. Khi tranh luận về các vấn đề xã hội, không chê bai các cụ “lẩm cẩm”, “cổ hủ”, lắng nghe được đến đâu thì tiếp thu, nếu có bất hòa, tìm cách “cắt đứt” cuộc tranh luận. Chập nhận “thua” các cụ trong một số vấn đề tranh luận không ảnh hưởng lớn tới cuộc sống gia đình.
Bốn là: Tùy hoàn cảnh mỗi gia đình mà có thể trao đổi với các cụ về việc viết di chúc, phân chia tài sản khi các cụ còn minh mẫn. Nếu gia đình có một con, không cần ép các cụ sang tên sổ đỏ hay viết di chúc thừa kế, bởi nếu các cụ có “đi”, tài sản đó cũng để lại cho con, đương nhiên con được thừa kế theo luật định. Tuyệt đối không bàn chuyện chia chác tài sản hay bàn chuyện lo “hậu sự” cho cụ trong thời gian cụ đang ốm đau, bạo bệnh. Năm là: Giữ liên lạc thường xuyên với cha mẹ già, mua sắm cho cha mẹ điện thoại cố định hoặc di động, gọi điện thăm hỏi hàng ngày. Yêu thương, chăm sóc cha mẹ già là chúng ta đang dạy con cái thương yêu chúng ta mai sau… Cuối cùng: Hãy chiều các cụ những điều con cái có thể làm được, chấp nhận sự khó chịu nhất định do tuổi già đem lại, hãy nghĩ rồi “mình cũng sẽ già. Đừng quên, mình đối xử với cha mẹ già thế nào, con cái sẽ noi gương, đối xử với chúng ta như thế về sau! —————————————– Để biết thêm thông tin, cách chăm sóc người cao tuổi, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số điện thoại: 0438258944 – Hotline: 0945689992 Trung tâm Chăm sóc người cao tuổi Tuyết Thái Địa chỉ: thôn Đại Đồng, Đại Mạch, Đông Anh, Hà nội Điện thoại: 043.9532918 – Hotline: 0945689992 Website: dieuduongtuyetthai.com |