Tổng giám đốc Nguyễn Thị Bạch Tuyết- bông hoa đẹp giữa đời thường

Tổng giám đốc Nguyễn Thị Bạch Tuyết- bông hoa đẹp giữa đời thường

Ngày 05/8 vừa qua, một nữ phóng viên trẻ của báo Việt nam Net đã có mặt tại Trung tâm chăm sóc Người cao tuổi Tuyết Thái. Và từ đó một vài câu chuyện cảm động lòng người lại được lật mở. Dưới đây là một câu chuyên điển hình như thế:

“Chuyện kể ở viện dưỡng lão:

– Cuộc đời của ông đã từng là những chuỗi ngày rất u tối. Ông từng tự trách đời sao để ông sống lâu mà vô dụng rồi làm phiền đến nhiều người, nhưng đến nay mọi thứ đã khác…

Có mặt tại Trung tâm Dưỡng lão Tuyết Thái (Đông Anh, Hà Nội) vào một buổi sáng đầu tháng 8, câu chuyện cuộc đời người đàn ông gác cổng, hai chân không thể tự đi lại, một cánh tay cũng không thể cử động sau trận tai biến khiến người đối diện không thể cầm lòng.

Ông là Hà Ngọc Dân (54 tuổi, quê Phú Thọ). Tính đến nay, ông Dân đã vào viện dưỡng lão được gần 2 năm. Khi kể về cuộc đời mình, không ít lần giọng ông Dân nghẹn lại. Ông nói, cuộc đời ông không ít những nỗi buồn…

Viện dưỡng lão,người già, hoàn cảnh khó khăn
Là người có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm nhưng ông Dân nói, ông luôn được đối xử như tất cả mọi người. Vì thế ông rất cảm kích.

Sau khi học xong lớp 7, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông theo họ hàng đi buôn bán, làm ăn ở các tỉnh xa. Trong thời gian tha phương cầu thực, ông quen và đem lòng yêu thương một người phụ nữ quê Nam Định.

Họ dọn về sống với nhau và sinh được một cậu con trai vào năm 1992. Từ ngày có con, ông bà càng cố gắng bươn trải làm ăn. Ông đi xa lăn lộn buôn bán tuy nhiên công cuộc làm ăn không gặp thời, ông bị thua lỗ và mất toàn bộ vốn liếng.

Trở về nhà, ông chỉ gặp con trai (lúc đó mới gần 3 tuổi). Vợ ông đã bỏ đi đâu không rõ. Ông đành gửi con trai cho bố mẹ nuôi dạy rồi đi khắp nơi làm thuê kiếm sống. Năm 2013, đang làm bảo vệ trông than tại Quảng Ninh thì ông bị tai biến dẫn đến liệt toàn thân. Người chủ biếu ông một số tiền rồi cho xe đưa ông về quê Phú Thọ.

Lúc này ở quê, bố mẹ ông đều đã mất nên ông buộc lòng phải ở cùng vợ chồng người anh trai cả. Không may kinh tế nhà anh trai không khá, anh trai ông cũng bị tai biến nên gánh nặng đè nặng lên vai chị dâu.

“Con trai tôi lúc này cũng đã lớn, cháu đã hơn 20 tuổi nhưng vì thiếu thốn tình cảm cha mẹ lại không được học hành đến nơi đến chốn nên sau khi ông bà mất (lúc cháu 14 tuổi), cháu cũng rời quê lên thành phố làm thuê.

Thấy bố ốm, thỉnh thoảng cháu cũng về thăm nhưng đồng lương ít ỏi nên lần nào về cũng chỉ mua được cho bố một vài thanh đậu phụ để bố ăn sáng. Còn lại mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt của tôi, chị dâu phải lo”, ông Dân kể.

Nói đến đây, giọng ông chùng xuống. Ông Dân bảo, vì ông và anh trai ốm quá lâu nên chị dâu vất vả và mệt mỏi. Cuối cùng, vì không muốn làm phiền anh chị nên ông quyết định lết thân tàn tật của mình ra khỏi nhà.

Ông cho biết: “Tôi cứ đi được 1, 2 bước lại nằm xuống đường lết đi. Tôi chỉ mong sau khi ra khỏi làng, tôi gặp được người có xe, họ cho tôi đi nhờ lên Hà Nội. Sau đó, tôi sẽ đi xin ăn để không phải làm phiền ai”.

Vừa đi ra khỏi làng thì ông nhìn thấy một chiếc ô tô từ xa tiến đến. Tuy nhiên ông không dám vẫy xe. Ông lết thân mình vào sát mép đường để chiếc xe khỏi cán vào người. Bỗng nhiên chiếc xe không đi qua mà dừng lại trước mặt ông. Sau đó, từ trong xe một người phụ nữ sang trọng chừng 60 tuổi bước ra.

Bà tiến đến phía trước mặt ông hỏi han rồi quyết định giúp đỡ ông, đưa ông về Hà Nội chăm sóc và nuôi dưỡng. Sau này ông Dân mới biết, quý bà sang trọng ấy là bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Dưỡng lão Tuyết Thái.

Bà Tuyết là người cùng quê với ông. Trên đường về thăm quê, bà nhìn thấy ông đang lết ngoài đường nên dừng xe lại hỏi chuyện. Đến khi biết được câu chuyện của ông, bà Tuyết đã quyết định đón ông về trung tâm nuôi dưỡng mà không đòi hỏi bất cứ chi phí nào.

Viện dưỡng lão,người già, hoàn cảnh khó khăn
Kể về cuộc đời mình, không ít lần giọng ông Dân nghẹn lại

Cảm kích trước tấm lòng của người đàn bà nhân hậu, từ ngày vào Trung tâm, ông Dân luôn cố gắng rèn luyện bản thân. Đến lúc tự đi được, ông Dân xin làm người gác cổng, phụ trách đóng mở cổng, ghi chép tên khách ra vào trung tâm…

Tuy nhiên cũng vì là người trực tiếp ghi chép danh sách khách vào ra nên không ít lần ông thấy chạnh lòng.

“Ở Trung tâm có nhiều cụ, con cháu lớn bé đến thăm liên tục. Họ tặng quà, tặng hoa. Cuối tuần, nhiều cụ còn được các con đến đón đi du lịch, cả nhà vui vẻ hạnh phúc lắm. Mình thì không được ai đến thăm. Thế nhưng ban đầu chạnh lòng rồi cũng quen, vì gia đình mình khác, mình còn ai đâu…”, ông Dân thở dài.

Ông bảo, con trai ông đi làm thuê cũng nghe theo bạn bè xui giục nên đánh nhau. Kết quả cháu phải vào trại cải tạo. Chính vì thế từ ngày ông được cưu mang ở Trung tâm, con chưa một lần đến thăm ông.

Tuy vậy người đàn ông này cho biết, có được cuộc sống như thế này đối với ông đã là rất may mắn. Ông sẽ luôn biết ơn và trân trọng nó. Ông cũng hứa sẽ cố gắng tập luyện để có thể khỏe mạnh mà đi lại để lo cho mình và giúp đỡ mọi người… ”

Theo Vietnamnet ngày 08/8

http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/song-la/nguoi-dan-ong-let-ben-duong-va-cuoc-gap-voi-quy-ba-tot-bung-388518.html

Share this post