Tiệc ngày rằm đầu tiên năm mới
Ngày 14 tháng Giêng năm Quý Mão 2023, Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Tuyết Thái làm lễ cúng Rằm tháng Giêng theo nghi thức truyền thống cổ truyền Việt Nam từ bao đời nay.
Tại Việt Nam, ngày Rằm tháng Giêng (15/1 âm lịch) hay còn gọi là tết Nguyên tiêu, được xem là một dịp lễ đặc biệt quan trọng trong năm.
Về nguồn gốc của Rằm tháng Giêng – tết Nguyên tiêu, dân gian có nhiều giải thích. TS Trần Long, giảng viên khoa Văn hóa, ĐH KHXH&NV cho biết, xã hội ngày nay lưu truyền nhiều ý nghĩa, nguồn gốc của ngày Rằm tháng Giêng. Tuy nhiên theo ông, câu chuyện liên quan đến vua Hán Văn của Trung Hoa là được truyền tai nhiều nhất.
Theo đó, nhà vua lên ngôi vào đúng ngày Rằm tháng Giêng nên hằng năm cứ đến ngày này, vua lại ra ngoài chung vui với dân. Chữ đêm (dạ) trong cổ ngữ Trung Hoa được đọc là “tiêu”, đây còn là đêm rằm đầu tiên của năm nên vua Hán Văn gọi ngày này là ngày tết Nguyên tiêu.
Tết Nguyên tiêu nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới, “Nguyên” nghĩa là thứ nhất, “Tiêu” nghĩa là đêm. Ngoài ra tết Nguyên tiêu còn được gọi là tết Thượng nguyên để phân biệt với tết Trung nguyên (Rằm tháng Bảy) và tết Hạ nguyên (Rằm tháng Mười).
Tết Nguyên tiêu cũng là một ngày lễ quan trọng với người theo Phật giáo. Do đó, dân gian có câu nói: “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”, hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”. Vào ngày lễ này, mỗi gia đình thường sẽ bày một mâm cỗ cúng để thể hiện lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với Phật, ông bà tổ tiên, cầu mong năm mới an lành, nhiều tài lộc.
Với Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Tuyết Thái đây là bữa cơm xum họp ngày rằm đầu tiên của năm mới giữa các cụ, các bố, các mẹ đang an dưỡng tại Trung tâm. Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết – Tổng giám đốc, đi từng bàn chúc sức khỏe các cụ, các bố, các mẹ. Một không khí ăn tết Nguyên tiêu vô cùng ấm ấp, thân tình.