Viện dưỡng lão: Ngôi nhà chung hạnh phúc của người cao tuổi
Xã hội phát triển, cấu trúc gia đình ở Việt Nam cũng thay đổi từ nhiều thế hệ chuyển sang gia đình hạt nhân với hai thế hệ là bố mẹ và ít con cái hơn. Việc chăm sóc bố mẹ khi về già tại viện dưỡng lão sẽ là một trong các giải pháp phù hợp mà vẫn vẹn tròn chữ hiếu.
Khoảnh khắc vui vẻ của bà Đinh Tố Mai (bên phải) cùng chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết
Mái ấm hạnh phúc
Bà Đinh Tố Mai sinh năm 1931, quê ở Hưng Yên, là một trong gần 100 cụ già đến sống tại Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Tuyết Thái (còn gọi Viện Dưỡng lão Tuyết Thái ở xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội) từ cách đây ba năm. Bà là Việt kiều định cư tại Pháp hơn 60 năm nay. Bà kể, có 5 người con nay đều yên bề gia thất, sinh sống tại Pháp. Do mong muốn được về Việt Nam sống một thời gian cho vơi nỗi nhớ quê hương, nên từ năm 2019 bà chọn vào Viện Dưỡng lão Tuyết Thái an dưỡng trong sáu tháng. Sau đó bà trở về Pháp, sáu tháng sau lại quay trở lại Viện an dưỡng. Song chuyến về Việt Nam của bà kéo dài đến nay, hơn dự kiến do dịch bệnh Covid-19.
Trước đó, người anh họ của bà là ông Trần Quốc Chinh cũng có thời gian dài an dưỡng tại Viện này, và chính ông đã có lời khuyên bà Mai nên về Việt Nam sinh sống tuổi già, thay vì đến ở các trung tâm dưỡng lão tại Mỹ. “Ở Viện có đủ điều kiện sinh hoạt, tôi được kết bạn với nhiều người để tâm sự tuổi già. Các nhân viên luôn coi chúng tôi như bố mẹ, chăm sóc chu đáo từ miếng cơm đến giấc ngủ” – Bà Mai cười rất tươi, nói với chúng tôi.
Cùng có niềm lạc quan, sống vui khỏe bên những người bạn già gắn bó trong Viện này như bà Mai, bà Nguyễn Thị Nga, sinh năm 1940 coi nơi đây như ngôi nhà thứ hai của mình. Bà Nga cho biết, có bốn người con, nay đều làm ăn và sinh sống tại Úc. Không theo con cái ra nước ngoài, chọn sống ở trung tâm dưỡng lão bà được các điều dưỡng chăm sóc đầy đủ với một tấm lòng nhân ái. “Tôi có tuổi rồi, vào Viện có đội ngũ điều dưỡng chăm sóc, không ảnh hưởng đến ai. Các con yên tâm lo công việc, còn bản thân chẳng phải e dè, ngại phiền phức. Như vậy là vẹn cả đôi đường” – Bà Nga tâm sự.
Thực tế, nhiều người già vào sống ở viện dưỡng lão không phải là người giàu có, mà không ít người có cuộc sống bình thường. Song họ được con cái, cháu chắt giúp đỡ để có một cuộc sống cuối đời thoải mái và ý nghĩa của tuổi già. “Các cụ già tìm đến Viện dưỡng lão không chỉ được chăm sóc về cuộc sống sinh hoạt ăn ở đơn thuần, mà còn được đặc biệt quan tâm đến các hoạt động tinh thần. Chúng tôi đã bố trí đội ngũ cán bộ y tế, điều dưỡng có chuyên môn để chăm sóc sức khỏe, duy trì việc khám sức khỏe định kỳ cho các cụ. Hằng ngày tại đây các cụ được nhân viên xoa bóp, bấm huyệt, hướng dẫn tập luyện. Chúng tôi tạo cho các cụ đời sống sinh hoạt vui tươi, không nhàm chán, như tổ chức đọc sách báo, xem tivi, đánh cờ tướng, chơi cầu lông. Buổi sáng các cụ tham gia vào các hoạt động giải trí như câu cá, hoặc đi dạo chơi trong vườn quả quanh hồ” – Chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Tổng giám đốc Viện Dưỡng lão Tuyết Thái cho biết.
Các cụ già tại Viện Dưỡng lão Tuyết Thái được đoàn công tác của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiêm vaccine phòng Covid-19
Vẫn tròn đạo hiếu
Hiện nay cả nước có khoảng 425 cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em. Trong số này, có 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập. Tuy nhiên, trong 425 cơ sở trên, chỉ có vài chục trung tâm đặc thù dành riêng cho người cao tuổi.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, hiện nay không ít người trẻ có cái nhìn cởi mở hơn về quan niệm báo hiếu, cho cha mẹ tin cậy viện dưỡng lão khi họ về già. Bởi lẽ trên thực tế, ngày nay có nhiều người cao tuổi không muốn là gánh nặng cho con cái. Cuộc sống tại thành thị vốn thường căng thẳng, nhà ở chật chội, có nhà 3-4 thế hệ ở cùng nhau, nảy sinh nhiều hệ lụy. Con cái bận rộn công việc, chăm sóc thế hệ sau của mình, do vậy người cao tuổi vào viện dưỡng lão chất lượng sẽ là lựa chọn tối ưu của nhiều gia đình.
“Thời đại bây giờ đã khác, cần nhìn thoáng hơn về chuyện sống ở nhà dưỡng lão. Không phải cứ phải ở cùng với cha mẹ thì mới gọi là làm tròn đạo hiếu. Cho dù đã để bố tôi không thiếu gì về vật chất khi ở nhà, nhưng ông cụ lại thiếu tinh thần. Các con đi làm, cháu đi học cả ngày, tối về cũng chỉ có một khoảng thời gian ngắn, hơn nữa mỗi thế hệ mỗi khác, khó có tiếng nói chung. Gia đình tôi đã tìm hiểu để chiều lòng bố đến sống ở viện dưỡng lão tốt phù hợp với điều kiện kinh tế cho phép” – Một người có cha ruột đang sống ở một viện dưỡng lão (giấu tên) bày tỏ quan điểm.
NSND Như Quỳnh, nghệ sĩ Quách Thu Phương trong thời gian thực hiện các cảnh quay tại Viện Dưỡng lão Tuyết Thái cho phim “Hương vị tình thân”
Ở góc nhìn khác, xã hội phát triển, cấu trúc gia đình ở Việt Nam cũng thay đổi từ nhiều thế hệ chuyển sang gia đình hạt nhân với hai thế hệ là bố mẹ và ít con cái hơn. Việc chăm sóc bố mẹ khi về già tại viện dưỡng lão sẽ là một trong các giải pháp.
Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu về viện dưỡng lão trong tương lai, cần tạo các cơ chế, chính sách hơn trong việc phát triển cơ sở dưỡng lão tư nhân. Các doanh nghiệp sẽ tự xây dựng cơ sở, đầu tư mua sắm thiết bị, ngược lại, nhà nước hỗ trợ chăm sóc cho đối tượng sử dụng dịch vụ tại các cơ sở này. Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân cùng lo sẽ tạo thuận lợi cho người cao tuổi.
Cùng đó, các cơ sở dưỡng lão cần không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm cho người cao tuổi được chăm sóc toàn diện thì mới gạt bỏ được tâm lý e ngại của nhiều người, đặc biệt là đối tượng con cái đứng trước quyết định có nên đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão hay không.
Hoàng Nhất
Bài viết về Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Tuyết Thái đăng trên Báo Điện tử Dân Sinh-Cơ quan của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Mời quý vị đọc tại link: https://vitreem.baodansinh.vn/vien-duong-lao-ngoi-nha-chung-hanh-phuc-cua-nguoi-cao-tuoi-20211115225358.htm